Lý do doanh nghiệp đầu tư bảo hiểm hưu trí tự nguyện

Lý do doanh nghiệp đầu tư bảo hiểm hưu trí tự nguyện

26/08/2021

Việc đầu tư vào bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động giúp doanh nghiệp thu hút nhân tài, nhận được lợi ích về thuế thu nhập.

Hiện tại, không ít doanh nghiệp tham gia các gói bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động để giúp họ có thêm quyền lợi cho tuổi hưu của mình. Dưới đây là những điều khiến nhiều doanh nghiệp quyết định đầu tư vào bảo hiểm hưu trí cho người lao động.

Thứ nhất, các doanh nghiệp đã nắm bắt những quy định pháp lý liên quan về bảo hiểm hưu trí và lợi ích thuế thu nhập doanh nghiệp, cá nhân. Ngoài những quy định pháp lý chung về bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí được sự hướng dẫn, quy định cụ thể của thông tư 115/2013/Thông tư - Bộ tài chính (115/2013/TT-BTC), trong đó bao gồm các quy định về sản phẩm, hình thức đóng phí, quyền lợi doanh nghiệp và người lao động được hưởng từ chương trình, trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc quản lý quỹ hưu trí... Đồng thời, doanh nghiệp được khấu trừ thu nhập chịu thuế khi mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí cho người lao động lên tới 3 triệu đồng mỗi người một tháng.

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động.

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động.

Thứ hai, doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến đời sống của người lao động trong thời gian công tác mà cả trong giai đoạn hưu trí. Trong giai đoạn đang làm việc cho doanh nghiệp, người lao động được hưởng lương và chế độ phúc lợi của doanh nghiệp, đảm bảo cuộc sống và yên tâm công tác.

Tuy nhiên, sau thời gian dài cống hiến, phần lớn người lao động, nếu chỉ dựa vào thu nhập từ lương hưu với mức cố định sẽ khó có một giai đoạn hưu trí thảnh thơi, an nhàn. Họ có thể phải đối mặt với thực tế nhu cầu tài chính tiếp tục gia tăng như: chi phí y tế, chăm sóc sức khỏe tăng cao, chi phí sinh hoạt điều chỉnh theo thời giá. Do đó, khi doanh nghiệp thực sự thấu hiểu và quan tâm chăm lo cho người lao động, họ sẽ lựa chọn bảo hiểm hưu trí tự nguyện để gia tăng mức lương hưu cho người lao động.

Một điểm đáng lưu ý là người lao động được chủ động xây dựng và xác định mức hưởng quyền lợi hưu trí dựa trên nguyên tắc "đóng - hưởng" nên có thể tham gia đóng góp cùng doanh nghiệp nhằm tăng thêm quyền lợi hưu trí bên cạnh lương hưu từ bảo hiểm xã hội.

Thứ ba, doanh nghiệp đã nhìn nhận và vận dụng bảo hiểm hưu trí tự nguyện là một gói phúc lợi hấp dẫn nhằm thu hút và giữ chân người lao động. Trước xu thế cạnh tranh của thị trường nhân sự cấp cao, chuyên viên có tay nghề cao như hiện nay, chủ doanh nghiệp luôn đưa ra yêu cầu để bộ phận nhân sự thiết kế những gói phúc lợi hấp dẫn, thu hút người lao động. Qua khảo sát thị trường lao động, trong các yếu tố để người lao động lựa chọn nơi làm việc thì chính sách nhân sự của doanh nghiệp là nhân tố hàng đầu. Trong đó bao gồm lương và phúc lợi.

Một chế độ phúc lợi cạnh tranh dựa trên các yếu tố tổng giá trị phúc lợi, độ dài thời gian áp dụng chế độ và hình thức phúc lợi. Bảo hiểm hưu trí tự nguyện đáp ứng được cả 3 khía cạnh này. Người lao động làm việc cho doanh nghiệp sẽ được hưởng quyền lợi từ chương trình trong cả giai đoạn doanh nghiệp đóng phí bảo hiểm và giai đoạn chi trả quyền lợi hưu trí nên thời gian và giá trị phúc lợi tương đối hấp dẫn. Về hình thức, đây là loại hình phúc lợi mới và khác biệt với các loại hình phúc lợi khác vì người lao động được đáp ứng nhu cầu cho giai đoạn có khả năng thiếu hụt về tài chính cao.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp được trao công cụ nhằm tạo lập sự gắn kết với người lao động trong từng khoảng thời gian nhất định. Ví dụ, doanh nghiệp áp dụng chính sách bảo hiểm hưu trí cho một người lao động với thỏa thuận nếu người lao động đó công tác tại doanh nghiệp đủ 3 năm hay 5 năm hoặc lâu hơn tùy tính chất công việc, ngành nghề... thì mới được nhận chuyển giao phần giá trị tương ứng doanh nghiệp đang đóng góp cho người lao động. Người lao động cũng cần có ý thức hơn trong việc thực hiện cam kết dài hạn của mình với doanh nghiệp.

Thứ tư, sự minh bạch và hiệu quả của bảo hiểm hưu trí tự nguyện đối với doanh nghiệp và người lao động. Cũng theo quy định của thông tư thông tư 115/2013/TT-BTC, doanh nghiệp và mỗi người lao động tham gia chương trình sẽ được cấp một tài khoản hưu trí để theo dõi việc đóng phí bảo hiểm và tích lũy giá trị tài khoản. Khi chuyển sang giai đoạn chi trả quyền lợi (đến tuổi hưu trí, hoặc người lao động có thể gia hạn tích lũy tối đa đến 70 tuổi), người lao động sẽ được chủ động đăng ký định kỳ và hình thức nhận quyền lợi hưu trí với công ty bảo hiểm. Phần giá trị tài khoản còn lại trong thời gian chi trả vẫn tiếp tục được tích lũy lãi. Do đó, giá trị tài khoản hưu trí luôn được thể hiện minh bạch trong cả giai đoạn tích lũy và giai đoạn chi trả.

Thứ năm là sức hấp dẫn của các sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Do sản phẩm được các công ty bảo hiểm nhân thọ xây dựng dựa trên quy định của thông tư 115/2013/TT-BTC nên bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu pháp lý thì yếu tố thương mại giúp sản phẩm mang tính cạnh tranh cao. Đến thời điểm hiện tại có 6 công ty bảo hiểm được cấp phép triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho doanh nghiệp, trong đó, Sun Life Việt Nam đang dẫn đầu về thị phần quỹ hưu trí với tổng tài sản quỹ hưu trí đang quản lý hơn 2.200 tỷ đồng vào cuối tháng 12/2020. Với các đặc tính sản phẩm linh hoạt về thời gian đóng góp, mức phí bảo hiểm, đối tượng đóng góp (doanh nghiệp và (hoặc) người lao động có thể cùng tham gia đóng góp), sản phẩm đáp ứng nhu cầu về nhân sự và ngân sách biến động hàng năm của doanh nghiệp

Hải My

Ảnh:Sun Life Việt Nam